Chuyển đổi số báo chí là quá trình không thể đảo ngược

TTO - Tại hội thảo "Báo chí chuyển đổi số để phát triển bền vững" sáng 23-12, ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch UBND TP.HCM, nhấn mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí là xu thế tất yếu và là quá trình không thể đảo ngược.
Sản phẩm liên quan
Hội thảo do Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM phối hợp với Hội Nhà báo TP.HCM, Hội Tin học TP.HCM phối hợp với tất cả các cơ quan báo chí của TP.HCM tổ chức tại Trung tâm Báo chí TP.HCM, sáng 23-12.

Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định: "Trong thời gian gần đây, không chỉ riêng Việt Nam mà trên toàn thế giới đều hiểu rằng chuyển đổi số là một xu thế không thể thay đổi, đặc biệt đối với tính chất đặc thù của hoạt động báo chí. Bởi vì tốc độ, hiệu quả, chất lượng thông tin là những yếu tố quyết định cho sự thành công của một cơ quan báo chí".

Theo ông Dương Anh Đức, trong thời gian qua, TP gặp nhiều khó khăn do đã trải qua thời gian giãn cách rất dài. Nhưng đây cũng chính là thời cơ, cơ hội để các cơ quan báo chí triển khai nắm bắt được lợi thế của công nghệ để đột phá.

"Tôi tin rằng, nhiều tờ báo, nhiều cơ quan báo chí, nhiều phóng viên đã cảm nhận được hết sức rõ ràng vai trò của công nghệ số như là nhu cầu cấp thiết. Chuyển đổi số không chỉ đơn giản là ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ nói chung vào các hoạt động mà còn thay đổi cả quy trình làm việc, thay đổi cả tư duy, cả cách suy nghĩ chúng ta phải có cách mới để thích ứng. Khi chúng ta ý thức được điều này thì chúng ta sẽ có quyết tâm để thực hiện cách nhanh nhất, hiệu quả nhất chuyển đổi số", ông Đức nói.

Vì thế, ông Dương Anh Đức đề nghị các cơ quan báo chí, các tòa soạn thực hiện chuyển đổi số một cách căn cơ, toàn diện từ tất cả bên trong cơ quan báo chí, từ phía tòa soạn, phía của người lãnh đạo đến các phóng viên...

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, ông Trần Trọng Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, cho biết những khó khăn trong chuyển đổi số đã khiến một số cơ quan báo chí ở TP.HCM phải tự chuyển mình theo hình thức "vừa làm vừa rút kinh nghiệm".

Thậm chí, nhiều cơ quan báo chí còn gặp khó khăn trong việc xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ, cơ quan báo chí đa phương tiện, lúng túng trong việc chọn mô hình phát triển nào là phù hợp, lúng túng trong xây dựng, vận hành và thử nghiệm quy trình.

"Trong quá trình 'tự thân vận động' đó, các cơ quan báo chí TP đang loay hoay với nhiều câu hỏi: Báo chí thực hiện việc chuyển đổi số như thế nào để vừa có thể thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cạnh tranh với các thông tin của mạng xã hội, vừa kịp thời đưa thông tin chân thực, đa dạng, kịp thời, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc? Báo chí phải chuyển đổi số theo mô hình nào là phù hợp?...", ông Dũng đặt vấn đề.

Đóng góp cho hội thảo trên góc nhìn của một tờ báo đã có sự chuyển đổi số bắt đầu từ năm 2017, ông Lê Xuân Trung, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết Tuổi Trẻ cũng như những tờ báo khác cần có những đối tác trong nước mạnh về chuyển đổi số cho báo chí. Bởi vì nếu mua các công nghệ của nước ngoài thì rất rườm rà, không chủ động cho các cơ quan báo chí.

Trong quá trình chuyển đổi số của mình, Tuổi Trẻ rút ra nhiều bài học. Theo đó, ông Lê Xuân Trung đề nghị để chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí thành công, chuyển đổi số cần sự hỗ trợ về tài chính và cần sự hỗ trợ của thành phố và cơ quan ban ngành về chuyển đổi số.

Chia sẻ:

Bình luận Facebook
  
Hotline 0964 600 688