Báo chí tăng tốc chuyển đổi số

TTO - Sáng nay 23-12, Hội Nhà báo TP.HCM phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông, Hội Tin học TP.HCM tổ chức tọa đàm "Báo chí chuyển đổi số để phát triển bền vững".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Trọng Dũng - chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM - nói: "Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp... Riêng các cơ quan báo chí tại TP.HCM đang từng bước khắc phục khó khăn, cùng nhau chia sẻ những mô hình thực hiện chuyển đổi số thành công để phụng sự xã hội ngày càng tốt hơn với sự tinh nhuệ, sắc bén, nhanh nhạy và dẫn đầu về thông tin".

* Ông đánh giá thế nào về lợi thế và lợi ích khi chuyển đổi số đối với các cơ quan báo chí tại TP.HCM?

- Là TP kinh tế đầu tàu của cả nước, TP.HCM sở hữu hàng ngàn doanh nghiệp công nghệ với các chuyên gia đầu ngành về công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Chúng ta có trong tay rất nhiều công cụ, phương tiện, con người và mô hình để các cơ quan báo chí tiếp cận thay đổi phương thức làm việc. TP.HCM cũng là địa phương đang thúc đẩy nhanh chuyển đổi số để xây dựng TP thông minh... 

Đó chỉ là một ít trong rất nhiều lợi thế của cơ quan báo chí TP khi tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Còn về lợi ích, trong nền kinh tế số tương lai, chuyển đổi số sẽ chắp cho cơ quan báo chí đôi cánh phát triển thương hiệu lên tầm cao mới, đặt nền móng phát triển, khai thác kinh tế số về lâu dài...

* Chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí ở TP.HCM hiện nay đã đạt đến mức độ nào, thưa ông?

- TP.HCM vừa bước qua giai đoạn chịu tác động nặng nề bởi dịch COVID-19. Nằm trong tình hình chung đó, báo chí TP cũng ảnh hưởng nghiêm trọng. Dù vậy, các cơ quan báo chí ở TP.HCM tùy theo khả năng của từng đơn vị đã quan tâm xây dựng môi trường làm việc ngày càng hiện đại, ra mắt những sản phẩm báo chí mới trên nhiều nền tảng khác nhau, áp dụng công nghệ trong các khâu từ nội dung đến kỹ thuật, phát hành... Đó chính là những nỗ lực chuyển đổi số của các cơ quan báo chí tại TP.HCM.

* Thực tiễn chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí gặp những khó khăn và vướng mắc gì?

- Phải nói rằng tiến trình chuyển đổi số của các cơ quan báo chí TP hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể về nhận thức và năng lực thực hiện; nguồn nhân lực, tài chính, phát triển và khai thác sản phẩm số, kinh tế số... Bên cạnh đó còn là việc lựa chọn mô hình phát triển phù hợp...

* Những vấn đề trên có thể giải quyết theo những cách nào, thưa ông?

- Chúng tôi hiểu rằng chuyển đổi số nhằm đưa các cơ quan báo chí TP phát triển bền vững là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nỗ lực của nhiều phía, không thể nóng vội nhưng cũng không thể chần chừ, thiếu quyết tâm. Công việc cần bắt tay làm ngay để báo chí thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...

Đây là những bài toán không dễ giải nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm của toàn thể cơ quan báo chí TP và sự định hướng của chính quyền TP, chúng tôi nghĩ sẽ sớm có những lộ trình và những mô hình cụ thể được đưa ra. Trước mắt, Hội Nhà báo TP phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông, Hội Tin học TP, báo Tuổi Trẻ và các cơ quan báo chí của TP sẽ tổ chức buổi tọa đàm đầu tiên để bàn về những vấn đề như: Báo chí phải chuyển đổi số theo mô hình nào là phù hợp? Quy trình chuyển đổi số của báo chí TP.HCM...

Qua đó, chúng tôi sẽ có những giải pháp khả thi bám sát thực tiễn của từng cơ quan báo chí nhằm giúp các cơ quan báo chí TP.HCM đẩy nhanh và hiệu quả hơn quá trình chuyển đổi số.

Ông Mai Ngọc Phước (tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM): Xu thế không thể đảo ngược

Ở góc độ là nhà báo cũng như đang quản lý một cơ quan báo chí, tôi đánh giá chuyển đổi số là xu thế không thể bị đảo ngược. Nói một cách thẳng thắn thì cơ quan báo chí phải chuyển đổi theo mô hình báo chí hiện đại hoặc sẽ phải chấp nhận thụt lùi, thậm chí "phá sản".

Trong bối cảnh đó, mỗi tờ báo - trong đó có báo Pháp Luật TP.HCM - xác định rất rõ: nội dung phải hấp dẫn, có nhiều tin bài riêng, độc quyền dựa trên thế mạnh của mỗi báo; cách đưa tin phải nhanh, các sản phẩm phải đa dạng, hấp dẫn và được lan tỏa mạnh mẽ trên tất cả các nền tảng mà bạn đọc có thể tiếp cận; cần áp dụng công nghệ vào mọi hoạt động của sản xuất báo chí từ xử lý thông tin, quản trị văn phòng, xây dựng văn hóa cơ quan đến giám sát lao động và cao hơn...

Ông Tô Đình Tuân (tổng biên tập báo Người Lao Động): Vấn đề sống còn

Tại báo Người Lao Động, trong hơn hai năm qua, chúng tôi đã nhận thức được vấn đề chuyển đổi số là vấn đề sống còn trong tương lai nên đã có những bước đi cơ bản, mang yếu tố nền móng. Qua quá trình thực hiện chuyển đổi số đó, chúng tôi thấy còn nhiều khó khăn như: chưa có một đơn vị nào đủ tầm để đứng ra tư vấn chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí; nguồn nhân lực đáp ứng chuyển đổi số và nguồn kinh phí.

Trước hết, ở lĩnh vực tư vấn chuyển đổi số không có cơ quan nào tốt hơn là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và truyền thông, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và truyền thông TP cùng kết hợp với Hội Nhà báo TP.HCM để hoạch định chiến lược, tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi số cho các báo.

Bộ máy nhân lực báo chí cần có sự đào tạo, tái đào tạo một cách bài bản hơn từ các cơ quan chức năng... Về vấn đề kinh phí, mong rằng các cơ quan chức năng sẽ quan tâm hơn như hỗ trợ vốn, cho vay với lãi suất 0% trong vòng 15 - 20 năm để hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số mạnh mẽ trong tương lai.

Ông Nguyễn Hùng Sơn (tổng giám đốc Công ty CP đầu tư thương mại và phát triển công nghệ FSI): Nên theo 4 nguyên tắc

Theo tôi, để các cơ quan báo chí có thể chuyển đổi số thành công, ngoài việc cần đào tạo kỹ năng số, kỹ năng chống ăn cắp bản quyền thông tin cho cán bộ, nhân viên, các cơ quan báo chí nên theo bốn nguyên tắc.

Thứ nhất, mỗi tòa soạn cần xây dựng một chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số theo bản sắc riêng. Thứ hai, cần phân tách các quy trình làm báo của tòa soạn đến mức nguyên công (phân công công việc đến mức nhỏ nhất), đánh giá các công đoạn cần tự động hóa để nâng cao hiệu quả, tốc độ. Thứ ba, cần tìm kiếm bộ công cụ chuyển đổi số phù hợp để phóng viên, biên tập viên có thể sử dụng trong thiết kế các cơ chế tự động thông minh theo quy trình nghiệp vụ mà họ lập ra.

Thứ tư, biết cách phát triển "tòa soạn số" với dữ liệu phong phú, khổng lồ, thường xuyên cập nhật, bổ sung các dữ liệu trạng thái thời gian thực và áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)... phục vụ công tác biên soạn, phát hành và đo lường dư luận xã hội về những sản phẩm tinh thần của báo.

Chia sẻ:

Bình luận Facebook
  
Hotline 0964 600 688